Skip to main content

Chỉ số tài chính

Chỉ số ROCE là gì?

ROCE (Return on Capital Employed) là chỉ số tài chính thể hiện dưới dạng phần trăm dùng để đo lường hiệu suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay của một công ty so với vốn mà họ sử dụng, bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn.

Công thức tính:  ROCE = EBIT/ Trung bình vốn sử dụng  = Lợi nhuận trước thuế và chi phí lãi vay / (Trung bình tổng tài sản đầu và cuối kỳ - Trung bình nợ ngắn hạn đầu và cuối kỳ).

+ Ưu điểm:

-          Đánh giá tổng hợp: Kết hợp hiệu quả sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn trong một chỉ số, cung cấp bức tranh toàn diện hơn so với chỉ dựa trên lợi nhuận đơn thuần.

-          Thích hợp cho so sánh: Cho phép so sánh giữa các công ty trong cùng ngành, vì nó đã cân nhắc đến sự khác biệt về cường độ sử dụng vốn.

-          Xác định điểm cải thiện: Phân tích các thành phần của ROCE có thể tiết lộ những lĩnh vực cần nâng cao hiệu quả hoặc tạo ra lợi nhuận cao hơn.

+ Nhược điểm:

-          Nhạy cảm với phương pháp kế toán: ROCE có thể bị thao túng thông qua các quyết định kế toán, ảnh hưởng đến khả năng so sánh.

-          Bỏ qua giá trị thời gian: Bỏ qua sự khác biệt giữa lợi nhuận tức thời và lợi nhuận tương lai, có thể đánh giá thấp các khoản đầu tư dài hạn.

-          Tính ứng dụng hạn chế: Có thể không có ý nghĩa đối với các ngành ít sử dụng vốn hoặc các ngành có nhiều tài sản vô hình.

+ Ý nghĩa và cách dùng ROCE:

Một công ty có ROCE càng cao cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận trước từ vốn đang có đang có của họ càng hiệu quả. Tuy nhiên, quan trọng là so sánh ROCE của một công ty với các đối thủ trong ngành và với hiệu suất lịch sử của chính công ty để có cái nhìn có ý nghĩa về hiệu quả hoạt động của họ. ROCE của các doanh nghiệp có thể thay đổi theo ngành, ví dụ ngành A khi một công ty có ROCE = 15% là cao vì trung bình ngành đang là 12%, còn ngành B khi một công ty có ROCE = 20% vẫn là thấp vì trung bình ngành đang là 25%. Nhà đầu tư nên quan tâm thêm về cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp khi dùng chỉ số ROCE, khi một công ty có chỉ số ROCE cao khi họ có cơ cấu nợ ngắn hạn lớn cũng sẽ mang những rủi ro tiềm ẩn.

Ví dụ:

Công ty X có EBIT năm 2022 là 1000 Tỷ VND, tổng tài sản đầu kỳ là 5000 Tỷ VND và cuối kỳ là 6500 Tỷ VND, Nợ ngắn hạn phải trả đầu kỳ là 1500 Tỷ VND và cuối kỳ là 2000 Tỷ VND.

-          ROCE của công ty X =  1000 / ( (6500 + 5000)/2 – (2000 + 1500)/2 ) = 25%

Công ty Y cùng ngành với công ty X có EBIT năm 2022 là 5000 Tỷ VND, tổng tài sản đầu kỳ là 35000 Tỷ VND và cuối kỳ là 40000 Tỷ VND, Nợ ngắn hạn phải trả đầu kỳ là 7000 Tỷ VND và cuối kỳ là 8000 Tỷ VND.

-          ROCE của công ty Y = 5000 / ( (40000 + 30000)/2 – (8000 + 7000)/2) = 16%

=>  Như vậy, nhìn vào công ty X và Y thì ta thấy công ty Y có lợi nhuận EBIT và nguồn vốn cao hơn nhiều so với công ty X nhưng chỉ số ROCE của công ty X lại vượt trội so với công ty Y, từ đó thể hiện công ty X hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều dù vốn ít hơn. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu nguồn vốn ta thấy có sự khác biệt là công ty X đang có 30,7% tổng tài sản là nợ ngắn hạn so với 20% của công ty Y thể hiện rằng công ty X đang được phụ thuộc khá nhiều từ nguồn vốn này.

+ Các yếu tố ảnh hưởng tới ROCE:

-          Lợi nhuận: Lợi nhuận ròng trước lãi vay và thuế (EBIT) của một công ty có tác động tích cực trực tiếp đến ROCE. EBIT càng cao thì ROCE càng cao.

-          Vốn sử dụng: Số lượng vốn được sử dụng để tạo ra lợi nhuận cũng ảnh hưởng đến ROCE. Giảm vốn sử dụng tương đối so với lợi nhuận sẽ dẫn đến ROCE cao hơn.

-          Tỷ lệ quay vòng tài sản: Tỷ lệ này đo lường mức độ hiệu quả một công ty sử dụng tài sản của mình để tạo ra doanh thu. Tỷ lệ cao hơn cho thấy doanh thu trên mỗi đồng tài sản cao hơn thường dẫn đến ROCE cao hơn.

-          Đòn bẩy tài chính: Mức sử dụng nợ để tài trợ hoạt động có thể ảnh hưởng đến ROCE. Nợ cao hơn có thể làm tăng ROCE, nhưng đi kèm với rủi ro tài chính cao hơn.

Lưu ý rằng ROCE chỉ là một trong nhiều yếu tố mà nhà đầu tư nên xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư. Một công ty có ROCE cao hay thấp chỉ mới phản ảnh hiệu quả hoạt động của công ty ở hiện tại và quá khứ. Các yếu tố khác như các chỉ số tài chính hoạt động, triển vọng tăng trưởng và định giá cũng nên được xem xét cùng.