Skip to main content

Định giá cổ phiếu

Chỉ số P/B

Chỉ số P/B là một chỉ số so sánh tỷ lệ giá cổ phiếu của một doanh nghiệp với giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của họ hoặc so sánh tỷ lệ vốn hóa thị trường của doanh nghiệp / giá trị sổ sách của doanh nghiệp đó. Chỉ số P/B cao có thể cho thấy nhà đầu tư tin rằng công ty có khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ROE cao. Ngược lại, chỉ số P/B thấp có thể cho thấy nhà đầu tư tin rằng công ty có khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE thấp.

Công thức tính: P/B = Giá thị trường của cổ phiếu / Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS)

       =  Giá thị trường của cổ phiếu / ((Tổng vốn chủ sở hữu – vốn chủ của cổ đông ưu đãi) / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành)

       = Vốn hóa thị trường / Giá trị sổ sách của doanh nghiệp

Các loại P/B:

-          P/B Hiện tại (P/B Trailing): Dựa trên giá trị sổ sách BVPS trong 12 gần nhất và đây là loại phổ biến hơn.

-          P/B Dự phóng (P/B Forward): Dựa trên ước tính giá trị sổ sách dự phóng trong tương lai và nó mang tính dự đoán cao hơn.

Ưu điểm:

-          Đầu tư giá trị: P/B giúp xác định các công ty tiềm năng bị định giá thấp, với tỷ lệ thấp (dưới 1) so với giá trị sổ sách của họ.

-          Tính toán đơn giản: Dễ hiểu và dễ tính toán bằng dữ liệu công khai.

Nhược điểm:

-          Bỏ qua tài sản vô hình: Không tính đến giá trị của tài sản phi vật chất như thương hiệu hoặc sở hữu trí tuệ, vốn có thể rất quan trọng đối với nhiều công ty.

-          Phụ thuộc ngành: Để so sánh có ý nghĩa, cần sử dụng các công ty trong cùng ngành.

-          Nhạy cảm với phương pháp kế toán: Tính toán giá trị sổ sách có thể mang tính chủ quan dựa trên phương pháp kế toán của mỗi doanh nghiệp.

Ý nghĩa và cách dùng:

Vì P/B là một phương pháp định giá tương đối, các nhà đầu tư thường dùng chỉ số P/B để so sánh định giá một doanh nghiệp với các doanh nghiệp tương đồng. Bên cạnh đó, họ cũng thường dùng chỉ số P/B để so sánh với chính định giá P/B trong quá khứ của doanh nghiệp để xem nó đang bị giá cao hay thấp so với quá khứ. Chỉ số P/B ít mang tính chu kì theo biến động lợi nhuận của cổ phiếu khi định giá, tức là chỉ số P/B sẽ ít biến động dù lợi nhuận của doanh nghiệp đang ở đỉnh hay ở đáy. Tuy nhiên, chỉ số P/B có một điểm hạn chế là không phản ánh chính xác đối với các công ty có tài sản vô hình như tài sản trí tuệ, bằng sáng chế,…

Ví dụ:

VD1. Tìm công ty tiềm năng bị định giá thấp:

Một công ty với dữ liệu như sau:

-          Giá thị trường trên cổ phiếu: 25 000 VND

-          Giá trị sổ sách trên cổ phiếu: 40 000 VND

-          Tỷ số P/B: 25 000 / 40 000 = 0.625

=> Thị trường đang định giá công ty chỉ 0.625 đồng cho mỗi đồng giá trị sổ sách của nó, gợi ý khả năng công ty bị định giá thấp. Đây có thể là cơ hội mua nếu nhà đầu tư tin rằng tài sản của công ty là tài sản thật và có giá trị cao hơn so với giá thị trường hiện tại.

VD2. So sánh giữa các công ty cùng ngành:

-          Công ty A có chỉ số P/B là 1.5

-          Công ty B có chỉ số P/B là 1.1

=>  Nhà đầu tư sẵn sàng trả cao hơn cho tài sản của Công ty A so với Công ty B. Điều này có thể cho thấy Công ty A có triển vọng tăng trưởng mạnh hơn, nhận diện thương hiệu tốt hơn hoặc cơ sở tài sản có giá trị hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nghiên cứu sâu hơn để hiểu lý do đằng sau sự khác biệt về P/B.

Các yếu tố ảnh hưởng đến P/B:

1. Yếu tố thị trường:

-          Tâm lý nhà đầu tư: Tâm lý tích cực có thể đẩy giá cổ phiếu lên, làm tăng P/B.

-          Kỳ vọng tăng trưởng: Kỳ vọng tăng trưởng cao có thể dẫn đến P/B cao hơn, ngay cả khi giá trị sổ sách vẫn ổn định.

-          Tình hình ngành: Triển vọng ngành mạnh có thể thúc đẩy P/B trong lĩnh vực đó.

2. Yếu tố giá trị sổ sách:

-          Chính sách kế toán: Các phương pháp kế toán khác nhau có thể ảnh hưởng đến giá trị sổ sách, tác động đến P/B.

-          Tài sản hữu hình: Các công ty có nhiều tài sản hữu hình hơn (ví dụ như ngân hàng) thường có Tỷ số P/B thấp hơn.

-          Tài sản vô hình: Các tài sản này (ví dụ như thương hiệu, sở hữu trí tuệ) không được phản ánh trong giá trị sổ sách, có khả năng khiến chỉ số P/B kém ý nghĩa hơn đối với một số công ty nhất định.