Chỉ số P/E
Chỉ số P/E là một chỉ số so sánh tỷ lệ giá cổ phiếu hiện tại của một doanh nghiệp với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của họ. Một công ty có chỉ số P/E cao cho thấy các nhà đầu tư đang kì vọng về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tương lai mạnh mẽ của doanh nghiệp. Ngược lại, một công ty có chỉ số P/E thấp cho thấy các nhà đầu tư đang kì vọng thấp về triển vọng lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp.
Công thức tính: P/E = Giá cổ phiếu hiện tại/ Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) = Giá cổ phiếu hiên tại / (Lợi nhuận sau thuế/ Số lượng cổ phiếu đang lưu hành).
Các loại P/E:
- P/E Hiện tại (P/E Trailing): Dựa trên lợi nhuận trong quá khứ, thường là 12 tháng gần nhất để tính EPS và đây là loại phổ biến hơn.
- P/E Dự phóng (P/E Forward): Dựa trên ước tính lợi nhuận tương lai để tính EPS và nó mang tính dự đoán cao hơn.
Ưu điểm:
- Đơn giản: Dễ tính toán và hiểu, khiến nó trở thành điểm khởi đầu phổ biến cho định giá cổ phiếu.
- Khả năng so sánh: Cho phép so sánh nhanh chóng giữa các công ty trong cùng ngành hoặc lĩnh vực.
Nhược điểm:
- Phụ thuộc ngành: Để so sánh có ý nghĩa, cần xem xét tỷ số P/E trong cùng ngành, vì các ngành khác nhau có tỷ số P/E trung bình khác nhau.
- Thao túng kế toán: Các công ty có thể sử dụng thủ thuật kế toán để ảnh hưởng đến EPS của họ, khiến tỷ số P/E kém tin cậy hơn.
Ý nghĩa và cách dùng P/E:
Vì P/E là một phương pháp định giá tương đối, các nhà đầu tư thường dùng chỉ số P/E để so sánh định giá một doanh nghiệp với các doanh nghiệp tương đồng. Bên cạnh đó, họ cũng thường dùng chỉ số P/E để so sánh với chính định giá P/E trong quá khứ của doanh nghiệp để xem nó đang bị giá cao hay thấp so với quá khứ. Điểm hạn chế của chỉ số P/E là nó thường mang tính chu kì trong khi định giá doanh nghiệp, ví dụ như : một doanh nghiệp đang ở đỉnh lợi nhuận thì thường có P/E thấp, còn một doanh nghiệp đang ở vùng đáy lợi nhuận thì thường có P/E cao.
+ Ví dụ: Công ty A hiện có giá cổ phiếu hiện là 100 000 VND, EPS là 5000 VND, P/E trung vị 5 năm gần nhất là 25. Công ty B có giá cổ phiếu là 50 000 VND, EPS là 5000 VND và P/E trung vị 5 năm gần nhất là 8. P/E trung bình của ngành 2 công ty đang hoạt động là 15.
- P/E Công ty A: 100 000 / 5000 = 20
- P/E Công ty B: 50 000 / 5000 = 10
=> P/E cao của Công ty A cho thấy nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho lợi nhuận của họ, thường phản ánh kỳ vọng tăng trưởng cao hơn. Mặc dù P/E của công ty này đang cao hơn trung bình chung của ngành nhưng thực ra do có những vị thế vượt trội hơn trung bình ngành nên công ty này được mức định giá cao như vậy và mức P/E này vẫn đang là mức rẻ so với quá khứ của chính nó.
Về công ty B, dù hiện P/E đang thấp hơn khá nhiều so với trung bình ngành tuy nhiên có thể là do thị trường kì vọng thấp về tiềm năng tương lai của cổ phiếu này so với mặt bằng chung của ngành và mức P/E này vẫn đang cao hơn khá nhiều so với chính quá khứ của công ty này.
Các yếu tố ảnh hưởng đến P/E:
- Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS): Đây là yếu tố trực tiếp nhất, vì P/E được tính bằng cách chia giá cổ phiếu cho EPS. EPS cao thường dẫn đến chỉ số P/E thấp hơn, và ngược lại.
- Kỳ vọng tăng trưởng: Nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các cổ phiếu có kỳ vọng tăng trưởng cao, dẫn đến P/E cao hơn.
- Ngành: Chỉ số P/E thay đổi tùy theo ngành. Ví dụ: các công ty công nghệ thường có P/E cao hơn các công ty tiện ích (điện, nước) do tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn.
- Mức nợ: Các công ty có mức nợ cao có thể có P/E thấp hơn vì thu nhập của họ có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi việc trả nợ.
- Tâm lý thị trường: Nhìn chung, tâm lý lạc quan hoặc bi quan của thị trường cũng có thể ảnh hưởng đến P/E.