Skip to main content

Chỉ số vĩ mô

Lạm Phát và Ảnh hưởng đến Thị Trường Chứng Khoán

Lạm phát là tỷ lệ tăng trưởng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế, và do đó làm sức mua của đồng tiền suy giảm. Lạm phát có thể tác động phức tạp và đa chiều đối với thị trường chứng khoán. Lạm phát ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán tùy vào mức độ của nó:

-          Lạm phát cao và tăng nóng: Lúc này, lạm phát sẽ khiến sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp nên doanh nghiệp thường sẽ thu hẹp hoặc không mở rộng kinh doanh. Vì hai điều này gây ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế trong dài hạn nên NHNN thường tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và ổn định tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cao cùng với sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế và của doanh nghiệp sẽ gây áp lực giảm giá lên thị trường chứng khoán.

-          Lạm phát vừa phải: Trong giai đoạn này, nền kinh tế tăng trưởng ổn định giúp các doanh nghiệp có thể duy trì sự phát triển. Sự tăng trưởng này sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, những doanh nghiệp nào có sự đổi mới mạnh mẽ có thể bứt phá trong giai đoạn này khi nhu cầu của người tiêu dùng đang ổn định. Từ đó, giúp tăng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này.

-          Lạm phát quá thấp hoặc giảm: Đây là dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của nền kinh tế quá yếu từ đó gây ra nguy cơ suy giảm kinh tế. Vì vậy, NHNN thường sẽ nới lỏng tiền tệ để giúp kích thích tăng tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Mức lạm phát này gây ra tác động 2 chiều với thị trường chứng khoán. Một chiều, lãi suất thấp hơn sẽ gây tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Ở chiều còn lại, lạm phát thấp cũng gây ra tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu khi lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp suy giảm do sức mua đang ở mức yếu.